google analytics

DU LỊCH TÂM LINH BÍ ẨN LY KÌ NGÔI MỘ CỔ ÔNG TƯỚNG

Thứ năm - 13/02/2020 15:02
"Đã có người thề bậy nên bị gãy chân". "Xe ủi tính san bằng đã bị đứt xich". Nằm mơ." Nhà tao sao mày dám phá" ...Nơi cắt máu ăn thề của giang hồ.
Nơi nào mà linh thiêng vậy !!!???
Huyền bí Ngôi mộ cổ
Huyền bí Ngôi mộ cổ

DU LCH TÂM LINH

BÍ ẨN LY KÌ NGÔI MỘ CỔ

Hàng chục thập kỷ qua, ai là người an nghỉ ngàn thu dưới ngôi cổ mộ có dáng hổ phục nằm ở địa phận khu phố Trà Long (phường Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) được dân địa phương gọi là "mả Ông tướng" vẫn là ẩn số. Vì bí mật chưa được giải mã nên dân gian xuất hiện nhiều đồn đại ly kỳ.
Sự tình càng trở nên huyền hoặc khi bao dã ý san bằng, khai quật ngôi cổ mộ đặng tìm vàng của kẻ xấu vì nhiều lý do không thể giải thích… liên tục thất bại!
Cổng vào ngôi mộ cổ

Những chuyện ly kỳ
Ông Nguyễn Sáu, 64 tuổi, chủ xe khách đường dài tuyến Qui Nhơn (Bình Định)-Bến xe miền Đông, lúc dừng bánh thắp nhang tại mả ông tướng cho biết gia đình ông theo nghề xe khách đã 3 thế hệ và từ hồi còn nhỏ theo cha đi phụ xe, ông đã biết đến ngôi cổ mộ này: "Cha tôi nói ông tướng nằm dưới ấy rất linh, ai có tâm có lòng thì cầu gì được nấy" - ông Sáu, nhớ lại: "Vì tín ngưỡng Ông mà hễ mỗi khi lại qua, ba tôi rồi đến tôi, và nay là đứa con trai hiện theo nghề truyền thống gia đình bao giờ cũng dừng xe thắp nén nhang cho người nằm dưới mộ. Nghe cha tôi kể lại nhiều tay tỏ thái độ bất kính, coi thường không hiểu có phải do bị Ông phạt hay không mà chỉ sau một thời gian ngắn liên tục gặp vận đen số rủi. Người bị tai nạn thảm khốc, kẻ tán gia bại sản… trong khi những người tín ngưỡng Ông thì phất lên như diều gặp gió". Mỗi khi gặp chuyện xui xẻo, phiền muộn hay mong ước điều gì đó, người dân quanh vùng thường ra "mả Ông" van vái, khấn cầu.
Do nằm ven quốc lộ 1A nên mả ông tướng được nhiều người dân trong vùng và nhiều tỉnh, thành mỗi khi lại qua thường thành tâm dừng xe dâng hương, hoa quả không khi nào ngớt. Mả có cấu tạo bằng hợp chất ô dước, nhô cao khỏi mặt đất gần 1m, có dáng hổ phục và được cội rễ của một cây bồ đề lâu năm bao quanh như lớp chiến bào. Bao quanh ngôi cổ mộ là lớp tường ốp gạch men sạch sẽ. Trước lối vào có tấm bình phong được vẽ hình mãnh hổ dáng uy lẫm, hùng cường.Theo bật mí của chị Hồ Thị Huệ, nhà cách mả ông tướng khoảng 100 bước chân,
Cụ Sáu Phong, thân sinh chị Huệ cho biết, trước năm 1975, mả ông tướng còn chứng kiến những lời thề độc, giao ước hoặc kết nghĩa tình huynh đệ của những kẻ sĩ, các tay giang hồ… "Hồi ấy mọi người trọng chữ tín, chữ nghĩa lắm. Ví như chú bị nghi oan lấy trộm đồ hay hãm hại ai đó, nếu muốn thể hiện mình trong sạch, chú chỉ cần ra mả Ông thắp hương thề độc" - cụ Sáu, kể chuyện.
Một phụ nữ luống tuổi tên Nga lúc ghé cổ mộ dâng hương, chép miệng bật mí: "Lắm tay ba trợn làm điều xằng bậy nhưng vẫn càn quấy, thản nhiên ra mộ Ông thề thốt mà chẳng chút e dè để rồi phải trả giá đắt. Hồi trước gần nhà tôi có người hàng xóm tên Khanh cũng vì thề ẩu mà bị cú nhớ đời. Số là anh ta để có mồi nhậu sang xóm dưới bắt trộm gà. Khi bị gia chủ tình nghi, anh ta ra mả Ông thề rằng nếu lấy trộm sẽ bị Ông bẻ tay bẻ chân. Chẳng biết do Ông linh thiêng hay vì sự trùng hợp mà sau khi thề độc, trên đường về, tay trộm láu cá bị sụp hố té gãy chân… Sợ quá sau đó anh ta phải làm lễ tạ tội Ông vì cái tội ăn nói xằng bậy".
Rễ cây Bồ đề bao phủ như một lớp chiến bào

Vẫn trụ vững qua bao phen sóng gió
Một đồn mười, mười đồn trăm nên cái sự uy linh của mả ông tướng ngày càng lan xa, người tín ngưỡng muôn phương kéo đến đông nườm nượp. Ông Nguyễn Kỳ, thành viên Ban phụng tự mả ông tướng, hồi ức: "Mả ông tướng hay còn gọi mộ tướng quân trước đây nằm ẩn giữa rừng già um tùm, sau này dân khai hoang phát rẫy làm nhà ở mới dần khai quang mới lộ hẳn. Trước uy linh của Ông, sợ rằng dân tình tụ tập đông sẽ bất lợi cho chính quyền nên vào năm 1967-1968, nhân chuyện mở rộng đường, chính quyền ngụy lúc bấy giờ quyết định xóa sổ mả ông tướng. Khi chiếc xe ủi tiến tới ngôi mộ chĩa càng về phía trước định san bằng thì không hiểu sao xích xe bị đứt. Trưa cùng ngày, đại tá thị trưởng chế độ cũ là Nguyễn Đình Tản nằm ngủ thấy 1 ông già đến báo mộng hỏi "Sao nhà tao mà mày đem quân đến phá". Tỉnh dậy Tản sợ quá ra lệnh dẹp máy ủi và kính cẩn cho lính xây tường bao quanh lại. Từ đó về sau mả ông tướng mới không bị nhà chức trách nuôi ý san bằng".
Thoát khỏi tà ý hủy diệt của chính quyền ngụy, sau đó mả ông tướng đứng trước mối nguy khác, đó là ánh mắt cú vọ của những kẻ tìm vàng. Các bậc cao niên kể lại, từ những năm 1970-1975, do chạy giặc nên bà con quanh vùng ít đáo qua mả ông tướng, do vậy cổ mộ bị hoang phế với cây cỏ phủ quanh. Kẻ xấu nhân cơ hội ấy tiến hành đào bới cổ mộ tìm vàng.
"Ngày trước cách mả ông tướng có tượng mã phục, đầu hướng vào mộ. Cho rằng ẩn trong con ngựa ấy có của cải, vàng bạc nên bọn xấu đập phá con ngựa. Chẳng biết chúng có tìm thấy vàng bạc gì không nhưng sau đó chúng rắp tâm khai quật cổ mộ. Bà con dân làng biết được đã cắt cử, thay phiên nhau canh chừng mả Ông đến bây giờ" - một cụ già, hồi nhớ!
Ai là người nằm dưới cổ mộ?
Tuy nằm trên đất Trà Long hơn 100 năm qua nhưng khi chúng tôi đề cập đến danh tánh vị tướng nằm dưới mộ, nhiều bậc cao niên lắc đầu, chỉ biết ẩn dưới cổ mộ là thi hài của một vị võ tướng. Còn vị tướng ấy tên gì, chức tước ra sao, chết vì lý do gì thì có rất nhiều lời truyền khẩu. Người bảo vị tướng ấy là danh tướng triều Nguyễn. Theo lệnh triệu tập của triều đình vị tướng ấy rời miền Nam tiến về kinh thành Huế và khi đi tới vùng đất này bị đột tử vì sơn lam chướng khí.
Vẫn chưa sáng tỏ ai nằm dưới mộ cổ linh thiêng

Lại có người cho rằng người nằm dưới mộ là vị võ tướng triều Tây Sơn bị quân Gia Long truy kích và chém chết trên lưng ngựa. Mang thi hài vị chủ tướng đi qua đất Trà Long, con chiến mã kiệt sức gục chết. Sau khi an táng vị võ tướng và chiến mã, cảm phục sự trung thành của con vật mà dân làng đắp tượng thờ.
"Cũng có thông tin cho rằng vị tướng nằm dưới mộ có mối quan hệ thân tình với vị tướng được an táng tại làng Sơn Thủy, ấp Sơn Hải (nay là phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), nơi có Di tích cổ truyền Mộ thần thái giám, tương truyền là một vị tướng của quân Tây Sơn đến nay vẫn không rõ danh tánh bị chém đầu trên lưng chiến mã" - ông Nguyễn Ngọ, Trưởng Ban phụng tự mả ông tướng, kể chuyện.
Để vén màn bí mật về vị tướng nằm dưới cổ mộ, ông Nguyễn Ngọ âm thầm làm nhiều cách. "Tôi chụp hình những chữ xưa trên bia đá cổ mộ gửi nhiều nhà nghiên cứu nhưng chẳng ai phản hồi vì theo họ, đó không phải chữ Hán mà là chữ Nôm. Sau đó tôi làm đơn gửi Phòng Văn hóa thông tin tỉnh đề nghị khảo cứu và công nhận di tích cho cổ mộ, cán bộ có xuống khảo sát, chụp hình nhưng đã hơn 3 năm qua hổng thấy nói gì. Không bó tay, tôi đi vào các đình đền chùa miếu quanh vùng để tìm xem liệu có mối liên quan nào đến mả ông tướng hay không".
Hằng ngày vẫn hương khói thờ phụng không chút lơ là

Sau bao nỗ lực, công sức của ông Ngọ đã được đền đáp phần nào: "Khi đến đình Trà Long nằm ở tỉnh lộ 9 (thị xã Cam Ranh), thấy có tấm bia đá mờ chữ, tôi hỏi ông từ trông coi đình và được ông từ cho biết trước đây có một nho sỹ đến xem và bảo bia đá nói về một danh tướng bị trảm tên Tống Văn Khôi, người Thanh Hóa".
Cụ Ngọ hoài nghi: "Qua tìm hiểu, tôi được biết triều Nguyễn có vị tướng là Lê Văn Khôi, là thuộc tướng và cũng là con nuôi của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, đồng thời là người dấy binh chống lại nhà Nguyễn tại thành Phiên An (Gia Định cũ, nay là TP HCM). Nhưng sử sách ghi Lê Văn Khôi chết vì bạo bệnh (1834), còn truyền khẩu của dân gian thì vị tướng Tống Văn Khôi chết vì bị trảm (chém đầu). Do đó 2 vị tướng này khác nhau chứ không phải là một người mà lúc đầu tôi nhầm tưởng người xưa ghi nhầm họ".
Ngay tại thời điểm này, những bí ẩn về mả ông tướng vẫn còn nguyên vẹn nhưng mối lo của các bậc cao niên ở khóm Trà Long thì gia tăng từng ngày. Qua năm tháng, nắng mưa và bao biến chuyển của thời cuộc, những hàng chữ trên bia mộ vị võ tướng mờ nhạt dần, khó khăn lắm mới nhận thấy mặt chữ.
"Về những gì liên quan đến mả ông tướng, chỉ những người già sắp gần đất xa trời như tôi mới biết và quan tâm, chứ lớp nhỏ bây giờ chúng thờ ơ lắm! Do chưa được công nhận là di tích nên mả ông đứng trước nhiều nguy cơ xâm hại, xuống cấp. Tôi còn sống ngày nào thì còn chăm lo cho mả Ông ngày ấy. Chỉ lo mai này mình đi xa, chẳng biết mả ông tướng rồi sẽ ra sao?!"
Theo nguồn: Thành Dũng (Báo cảnh sát toàn cầu Online)
Quý khách có thể tham khảo thêm bằng Video theo link

https://youtu.be/Mk0nn3qDiIE





                                               


























 

Nguồn tin: "Đã có người thề bậy nên bị gãy chân". "Xe ủi tính san bằng đã bị đứt xich". Nằm mơ." Nhà tao sao mày dám phá" ...Nơi cắt máu ăn thề của giang hồ. Nơi nào mà linh thiêng vậy !!!???

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây