Nổi tiếng nhất trong số các di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt lần này là danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa, thuộc huyện Tuy An, Phú Yên, với các lớp trụ đá đen xếp chồng lên nhau như chồng bát đĩa, nhìn xa như một tổ ong thiên tạo khổng lồ rất kỳ thú.
Cùng đợt tháng 12/2020 còn có 6 di tích khác được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt gồm: hệ thống lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế; An toàn khu (ATK) II Hiệp Hòa (Bắc Giang); căn cứ Cái Chanh (Bạc Liêu); đền An Xá (Hưng Yên); đình Hạ Hiệp (Hà Nội); lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí (Nghệ An).
Ghềnh đá đĩa là địa danh nổi tiếng của tỉnh Phú Yên, rộng 50 m, trải dài hơn 2.000 m, có bãi cát trắng mịn hình lưỡi liềm dài khoảng 3 km. Đá ở đây được dựng đứng theo từng cột liền khít nhau, đều tăm tắp. Các cột đá có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn giống như cái đĩa đựng thức ăn.
Trên thế giới, một số địa danh nổi tiếng khác có cấu trúc đá tương tự, như: Giant’s Causeway ở Ireland, Los Órganos ở Tây Ban Nha và ghềnh đá đĩa ở hang động Fingal, Scotland.
Theo Địa chí Phú Yên, nghiên cứu bước đầu của Đoàn địa chất 703 cho thấy đá ở ghềnh là loại đá bazan, hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa), cách khoảng 30 km theo đường chim bay. Núi lửa này hoạt động gần 200 triệu năm trước, nham thạch phun từ miệng ra sát biển, bất ngờ gặp nước biển lạnh nên lập tức đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lưu, tạo sự rạn nứt toàn bộ khối thạch khổng lồ.
Đá bị nứt theo mạch dọc tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên ngang, đồng thời lại có những đường nứt ngang cắt các cột đá thành nhiều khúc.
Năm 1998, ghềnh đá đĩa được công nhận là thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.